Hãy để mình là một đứa trẻ ngày trung thu

Sắp đến ngày trăng sáng, hẳn không ít ai trong số chúng ta đang hoài niệm về những ngày trung thu của tuổi thơ.

Nó trong sáng và vui vẻ biết mấy nhưng nó chỉ là kỉ niệm. Kỉ niệm được cất giấu trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người và đôi khi được nhắc lại, lôi ra "ngắm nghía" những lúc một mình.

Lúc còn  bé,ai trong  chúng ta đều có mong ước và hứa hẹn rằng “ nếu sau này con lớn, con sẽ…”, chúng ta mong mình nhanh nhanh thoát khỏi cái thời “ trẻ con thì biết gì” đầy ngô nghê, vô tư vô lo ấy. Để đến khi đã thực sự lớn, đã là những chàng trai cô gái tuổi xanh và mang trái tim đầy hoài bão, đầy xúc cảm, mỗi người lại ảo tưởng một chiếc vé khứ hồi “ Cho tôi xin một vé về tuổi thơ”.


Đến lúcbước đôi chân  ra khỏi cánh cửa nhà, tự thấy mình đã lớn, tự bắt đầu một cuộc sống tự lập cho bản thân để tung cánh giữa cuộc sống bọn bề. Những cảm xúc vui mừng vui khi những gì mở ra trước mắt là  những hoài bão, những ước mơ ấp ủ bao năm đang cuốn con đi xa dần gia đình, xa dần chốn bình yên ấy để bước vào cuộc đời đa sắc. Cuộc đời là một cuộc hành trình dài mà hình như nó ít nhiều vẫn chưa chấp nhận bước chân của mình vào đó. Và nhận ra mình vẫn chỉ là đứa trẻ mang dáng dấp của cô gái tuổi 20 mỗi lần mệt mỏi đều ao ước được về nhà.

Trung thu này hẫy để mình được là đứa trẻ, để được ở nhà phá cỗ trông trăng. Chúng ta vẫn luôn nhớ những ngày tháng cơ cực ấy, thèm muốn có được một chiếc đèn lồng chạy pin giống như những đứa trẻ khác trong xóm. Niềm vui nhỏ bé cuối ngày là chiếc đèn ông sao nhỏ xinh, đốm nến sáng lung linh như những ước mơ về tương lai “ sau này lớn con sẽ kiếm thật nhiều tiền nuôi bố mẹ, nuôi bà”

Trung thu này hãy để mình là đứa trẻ, để được nhìn ngắm khu phố nhà mình rộn rã đón trăng rằm. Xa quê, cứ tưởng rằng mình sẽ thích nghi được với cuộc sống nơi thành phố ồn ào, thích nghi được với những điều mới mẻ . Những ngày thành phố vui mừng đón cái tết của mùa thu, là những ngày mỗi chúng ta ở đây và chạnh lòng nhớ. Nhớ nhà, nhớ phố, nhớ ánh đèn lúc có lúc không như phố huyện trong truyện ngắn của Thạch Lam, nhớ mùi chợ tan ngày, từng xe đạp thồ hàng quay về các thôn xã.
Trung thu này, muốn mình bé lại, hay thực ra muốn mình được quay về ?


Kỷ niệm là những viên kim cương lấp lánh trong trái tim mỗi người. Có người có thói quen gói chúng lại và giấu vào một góc, để thỉnh thoảng lại lôi ra ngắm nghía cho đỡ buồn những lúc chỉ còn một mình. Chúng ta thường hoài niệm về những điều đẹp đẽ đã qua, bởi cuộc sống là những sự thay đổi liên tục và âm thầm. Cứ mỗi lần thất bại hay chán nản,  lại muốn được bé lại, được ba mẹ dỗ dành như những ngày tập đi, tập nói, và dẫu kể có mắc lỗi lầm thì chúng đều chỉ còn là lời trách yêu thương “trẻ con đã biết gì”.

Trung thu năm nay,  chỉ có một mình. Không có bà, không có gia đình ở cạnh. Nhưng cchúng ta ai cũng sẽ chẳng còn tủi thân, bởi lẽ chúng ta đang học cách chấp nhận những đổi thay của cuộc sống. Cuộc đời mỗi người là một cuốn sách, chỉ tiếc là ta chỉ có thể đọc đi mà chẳng thể nào đọc lại. Chúng ta vừa muốn mình được là đứa trẻ, vừa muốn bản thân trưởng thành hơn, vững vàng hơn giữa những khó khăn phía trước.

Thứ ánh sáng lung linh của chiếc đèn ông sao, trở đi trở lại trong một giấc ngủ thật dài và thật sâu. Ở đó, có ai tự thấy  mình bé nhỏ, chạy khắp xóm phá cỗ trung thu...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Back to top